Giới thiệu Sa Đéc
ĐÔI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI SA ĐÉC
Thành phố Sa Đéc là đô thị loại 2 của tỉnh Đồng Tháp, có diện tích là 5.911 ha, với dân số 202.000 người (bao gồm dân số quy đổi). Thành phố Sa Đéc có 09 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 06 phường và 03 xã: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường An Hòa, Phường Tân Quy Đông, xã Tân Quy Tây, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Phú Đông, địa hình bằng phẳng và thấp, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Về mặt giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thuỷ (sông Tiền, sông Sa Đéc, Quốc lộ 80, Tỉnh lộ ĐT 848, ĐT 851, ĐT 852, ĐT 853…) có điều kiện để liên kết và hợp tác phát triển với các huyện của tỉnh như: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh… các trung tâm kinh tế phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Rạch Giá…) và cả nước bạn Campuchia.
Từ rất xa xưa, nơi đây là vùng đất trũng, nước ngập quanh năm khí hậu ẩm ướt, dân cư thưa thớt…. Địa danh “Sa Đéc” là âm tiếng Việt của chữ “Phsar- Dek” là tên của một vị thuỷ thần mà đồng bào Khơ- mer tôn sùng, từ này còn có nghĩa là chợ Sắt; theo truyền thuyết dân gian thì Sa Đéc là tên của một nàng con gái xinh đẹp, vì tình yêu bất thành nên xuất gia đầu Phật, sau lại trở về lập chợ, nhân dân tưởng nhớ đặt tên của nàng làm chợ cho đến ngày nay.
Vào thế kỷ XVII đã có nhiều người Việt đến đây lập nghiệp, hầu hết là dân các tỉnh Quảng Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, cùng với những người Hoa “phản Thanh phục Minh” và một số ít người Khơ- mer mà hình thành nên cộng đồng dân cư. Buổi đầu khai mở ấy họ phải đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ, bệnh tật để khai phá, mở mang, canh tác… vì vậy, đã có sự gắn kết cộng đồng, đùm bọc lẫn nhau, yêu thích tự do và gắn bó với mảnh đất mà họ đã dày công vun đắp, xây dựng.
Với địa thế khá đặc biệt, rất thuận lợi về nhiều mặt và là địa bàn chiến lược nên Sa Đéc đã được chúa Nguyễn chọn làm trung tâm của vùng Đông Khẩu Đạo (1757). Từ đó, cộng đồng dân cư Kinh - Khơ mer - Hoa càng đoàn kết, gắn bó nhau hơn để khai thác, làm ăn, mua bán… chẳng bao lâu sau mà thành lập trên 60 thôn; dân cư tập trung ngày một đông, nhiều tụ điểm dân cư mới được hình thành, đã bắt đầu xuất hiện phố thị mua bán ngày một tấp nập và dần dần trở thành một trong vài thị tứ quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Bên cạnh những đình, chùa, miếu mạo của người Việt thì cũng xuất hiện những nơi thờ tự của người Hoa; nhiều nghề thủ công truyền thống được phát triển, nhiều mặt hàng có giá trị được định hình; các lớp học chữ Nho đã có nhiều sĩ tử theo học…
Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam kỳ, họ đã khai thông tuyến đường thuỷ Sài Gòn - Nam Vang, tàu hơi nước của họ đã đi ngang Sa Đéc. Cả xứ Nam kỳ hồi ấy chủ yếu đi lại bằng đường thuỷ, hệ thống sông ngòi chằng chịt đã nối Sa Đéc với các địa phương trong vùng, Sa Đéc trở thành đầu mối tập kết hành khách và hàng hóa vận chuyển đi các nơi. Khi giao thông đường bộ phát triển, con đường nối liền Sài Gòn- Hà Tiên được hình thành lại đi ngang qua Sa Đéc. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy vị trí khá thuận lợi về nhiều mặt để Sa Đéc phát triển từ rất sớm.
Là vùng đất mới nhưng đạo lý, truyền thống, bản sắc của dân tộc vẫn tiếp tục được vun bồi, trường Phủ Tân Thành (có từ năm 1832) là cái nôi giáo luyện nên những Nho gia, nhà khoa bảng của Sa Đéc và vùng phụ cận; sau này, khi có trường Sơ học (năm 1885) cho đến lúc dạy chữ Quốc ngữ … thì ngày càng có nhiều trí thức có tinh thần dân tộc mà tiêu biểu như kỹ sư Lưu Văn Lang. Cũng tại mảnh đất Sa Đéc này, đã ươm mầm cho một nữ sĩ Pháp (bà Marguerite Duras) đạt giải Goncourt Pháp quốc. Sa Đéc còn được biết đến như một cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương; của những nghệ nhân kim hoàn, hoa kiểng; của những văn nhân, thi sĩ, nhà báo buổi đầu có chữ Quốc ngữ; phụ nữ Sa Đéc giỏi nữ công gia chánh, bánh trái, thêu thùa đã làm rạng danh nhiều nữ lưu bên dòng Sa giang….
Sa Đéc cũng là nơi gặp gỡ của nhiều nhân sĩ, nho gia yêu nước trong phong trào Đông Du, Duy Tân; của những chiến sĩ cộng sản trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội… để dẫn đến việc hình thành nên tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam tại Sa Đéc và lãnh đạo phong trào yêu nước, đấu tranh giành chánh quyền về tay nhân dân năm 1945.
Người Sa Đéc rất hào sảng, luôn rộng mở tấm lòng, khoan dung độ lượng để cùng chung sức xây dựng quê hương. Quá trình hình thành và phát triển, Sa Đéc đã hun đúc nên những truyền thống quí báu, đó là: truyền thống hiếu khách, truyền thống hiếu học, truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng…
Vượt qua những gian nguy thử thách của chiến tranh, quân- dân Sa Đéc đã anh dũng chiến đấu và giành lấy thắng lợi bằng mùa xuân 1975 để cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khôi phục kinh tế- văn hóa- xã hội sau chiến tranh, Sa Đéc đã giành được nhiều thành tựu để bước vào công cuộc đổi mới và tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Một Sa Đéc mến yêu và trù phú luôn thôi thúc và vẫy gọi những người con của quê hương, của mọi miền Tổ quốc cùng chung sức chung lòng vì một Sa Đéc phát triển ổn định và bền vững….